© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hướng dẫn soạn Văn 11, Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội

Chủ nhật - 08/09/2019 11:24
Văn nghị luận còn có một tên khác là văn lập luận. Lập luận là một phương thức lớn nhằm tạo lập một kiểu văn bản, văn bản lập luận. Kiểu văn bản lập luận bao gồm nhiều dạng khác nhau, ứng dụng trong nhiều tình huống khác nhau. Văn nghị luận chỉ là một trong số các dạng của kiểu vẫn bản lập luận – loại văn bản lấy lập luận làm thao tác đặc thù. Lập luận là cách thức dẫn dắt, trình bày lí lẽ dẫn chứng nhằm thuyết phục người đọc về một lí luận một tư tưởng hay một quan điểm nào đó. Muốn lập luận tốt người viết (người nói) cần nắm chắc nội dung (luận điểm, luận cứ) phải biết vận dụng các thao tác nghị luận một cách tổng hợp và linh hoạt.

Văn nghị luận là loại văn được ứng dụng rất nhiều trong đời sống xã hội. Theo chương trình Ngữ văn ở THCS. Nghị luận được phân chia thành hai kiểu: nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Kiểu bài nghị luận xã hội lại phân thành 2 dạng:

- Nghị luận về một hiện tượng đời sống.
- Nghị luận về một tư tưởng đạo lí.

Bài viết số 1 chủ yếu yêu cầu HS rèn luyện những kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội.


Một số đề văn gợi ý:
1. Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc sống đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?
Hướng dẫn làm bài:
- Xác định vấn đề cần nghị luận: Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, người tốt với kẻ xấu là cuộc đấu tranh gian khổ trong mọi thời đại. Nhưng theo xu hướng tiến bộ, cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Truyện cổ tích Tấm Cám chính là sự minh chứng cho cuộc đấu tranh ấy.
- Xác định luận điểm, luận cứ và lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp:
+ Trong cuộc đấu tranh ở truyện cổ tích Tấm Cám, cô Tấm đã đối diện với những thế lực tội ác nào? Cô Tấm đã vươn lên như thế nào trong cuộc đấu tranh ấy? Lựa chọn những dẫn chứng nào trong truyện?
+ Trong cuộc sống học tập trong đời thường, HS thường phải đối diện với những khó khăn nào? Muốn tránh khỏi những điều xấu, những khó khăn ấy cần phải làm gì? Nên dùng những dẫn chứng, lập luận nào?

2. Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba – 1442.
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và ngày càng lớn, nguyên khí suy thì nước yếu và ngày càng xuống cấp.”
Hướng dẫn làm bài:
Đề văn yêu cầu người viết nêu lên những suy nghĩ và quan niệm của mình về một vấn đề xã hội – tư tưởng. Đó là vấn đề về người tài đức, vai trò của người tài đức trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Tùy vào ý kiến riêng của mỗi HS, miễn là ý kiến ấy được trình bày một cách rành mạch và có sức thuyết phục. GV không nên bắt buộc HS phải có quan niệm giống nhau hoặc giống như đáp án của mình. Trái lại, cần động viên, khích lệ những ý kiến khác nhau; những suy nghĩ độc đáo, mới mẻ; những bài viết biết đặt ra hoặc phản bác các ý kiến, những quan niệm không đúng về người tài đức,… Tuy vậy, nội dung bài viết cũng cần nêu lên được các biểu hiện khác nhau của người tài đức và vai trò của người tài đức trong xã hội hiện nay. Người viết phải trình bày, phân tích, chứng minh một cách thuyết phục về quan niệm của mình. Chẳng hạn, đây là một cách lập luận và nêu luận điểm:
- Người tài đức là người có học vấn, có khả năng ứng dụng những hiểu biết của mình trong đời sống. Họ là người có tấm lòng thiết tha muốn đóng góp công sức của mình để xây dựng đất nước.
Có thể vận dụng những dẫn chứng để chứng minh cho nội dung trên.
- Tại sao người tài đức lại có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước?
- HS khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, cần rèn luyện phấn đấu ra sao để trở thành người tài đức, góp phần xây dựng đất nước.

3. Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm: học đi đôi với hành.
Hướng dẫn làm bài:
- Vấn đề cần nghị luận: học và hành phải đi liền với nhau thi mới có hiệu quả. Nói
cách khác, đây là đề bài yêu cầu nghị luận về mối quan hệ giữa học và hành, giữa lí thuyết và thực hành.
- Các thao tác lập luận: Người viết có thể sử dụng thao tác phân tích, giải thích hoặc chứng minh kết hợp với dẫn chứng từ thực tế đời sống để thuyết phục người đọc.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây