© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hướng dẫn soạn Văn 11, Thương vợ Trần Tế Xương

Thứ hai - 09/09/2019 10:32
Trong xã hội phong kiến, thân phận những người phụ nữ bao giờ cũng gắn liền với những vất vả, khó khăn, thậm chí còn gắn liền với những bi kịch. Sự cảm thông của xã hội với họ là cần thiết nhưng cần thiết nhất có lẽ là tình cảm của chính những thành viên trong gia đình với cuộc sống của những người vợ, người mẹ, là động lực để họ vươn lên, hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Tú Xương là một người chồng đã thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà Tú. Bài thơ: Thương vợ giúp chúng ta hiểu hơn tấm lòng của ông với người vợ của mình.

1. Tóm tắt:
- Trần Tế Xương (1870 – 1907) thường gọi là Tú Xương, quê ở phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định.
- Sáng tác của Tú Xương gồm hai loại: trào phúng và trữ tình.
- Tú Xương có nhiều bài thơ viết về bà Tú nhưng Thương vợ là một trong những bài thơ hay và cảm động nhất của nhà thơ.

2. Trả lời câu hỏi SGK
Câu 1. Cảm nhận của anh (chị) về hình ảnh bà Tú trong bốn câu thơ đầu? (chú ý những từ ngữ có giá trị tạo hình, hình ảnh con cò trong ca dao được tác giả vận dụng một cách sáng tạo).
- Hình ảnh bà Tú được hiện lên khá rõ trong bốn câu đầu. Hai câu đầu đã giới thiệu được hình ảnh bà Tú gắn với công việc mưu sinh.
- Quanh năm: là khoảng thời gian suốt cả năm, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, gợi một thời gian có tính lặp lại, khép kín.
- Mom sông: là doi đất nhô ra ngoài sông, nơi đầu sóng, ngọn gió. Đây là hình ảnh gợi lên một không gian sinh tồn bấp bênh, khó khăn.
- Trên cái nền không gian, thời gian ấy, cuộc mưu sinh đầy khó khăn của bà Tú được phác hoạ qua câu thơ của Tú Xương:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

- Hình ảnh “thân cò’ là hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho phụ nữ trong xã hội xưa. Có điều, Tú Xương vừa tiếp thu ca dao nhưng lại vẫn có những sáng tạo độc đáo. Dùng “thân cò” có nghĩa là ý thơ mang tính khái quát cao hơn. (Trong ca dao: Con cò lặn lội bờ sông). Vì vậy, dùng “thân cò”: gợi lên cả một số kiếp, nỗi đau thân phận. Có lẽ vì thế mà tình thương của Tú Xương với vợ trở nên sâu sắc hơn. Hơn thế, hình ảnh này lại được sử dụng cùng với hình thức đảo ngữ “lặn lội” và được đặt trong một không gian rợn ngợp “khi quãng vắng”: vừa nói được cái rợn ngợp của thời gian (khi), vừa mở ra cái rợn ngợp của không gian (quãng vắng), càng làm cho hình ảnh bà Tú nổi bật lên rõ hơn trong sự miêu tả của nhà thơ.
- Như vậy, bốn câu đầu nói lên được cái thực cảnh vất vả, gian truân của bà Tú khi kiếm sống và thực tình của Tú Xương – tấm lòng thương xót, cảm thông với bà Tú.

Câu 2. Phân tích những câu thơ nói lên đức tính cao đẹp của bà Tú
- Hai câu thực đã nói lên được đức tính chịu thương, chịu khó của bà Tú (phân tích theo hướng ở trên). Bên cạnh hai câu thực, câu thừa đề (câu 2), cũng là câu thơ đã khái quát được phẩm chất cao đẹp của bà Tú trong hoàn cảnh vất vả, gian truân:

Nuôi đủ năm con với một chồng

- Mỗi chữ “nuôi đủ” nói được cả số lượng lẫn chất lượng, đủ đến mức: “ Cơm hai bữa: cá kho, rau muống. Quà một chiều: khoai lang, lúa ngô” (Thầy đổ dạy học). Hai vế câu: 5 (con) với 1 (chồng). Hai vế câu với những số lượng người (chồng, con) đã đặt lên hai vai của bà Tú cũng đã đủ hiểu sự đảm đang, tần tảo, xở xoay trong công việc buôn bán kiếm sống của bà. Xuân Diệu khi nói về câu thơ đã cho rằng: ông Tú cho mình là một đứa con đặc biệt mà bà Tú phải nuôi. Nhưng Tú Xương cũng hiểu lòng vợ nên không gộp mình vào với con mà tách ra vừa để đùa vui mà cũng để tri ân với vợ. Nhưng câu thơ cũng nói lên niềm hạnh phúc của một người vợ tần tảo, hi sinh tất cả cho chồng con. Đó là niềm hạnh phúc của bà Tú đã được Tú Xương nói hộ.

Câu 3. Lời “chưởi” trong hai câu thơ nói lên đức tính cao đẹp của bà Tú
- Vừa đọc thì người đọc dễ nhầm rằng đó là tiếng chửi, là lời trách của bà Tú. Nhưng sâu xa, phải hiểu: đó là khi Tú Xương đã nhập thân, hoá thân vào nỗi khó nhọc của bà Tú để chửi “thói đời” và để tự chửi mình. Sự “hờ hững” của ông cũng là một biểu hiện của “thói đời” ấy. Đây cũng là biểu hiện của việc vận dụng khẩu ngữ, lời ăn, tiếng nói của dân gian để khắc họa hình ảnh bà Tú – một người phụ nữ của công việc, của đời sống (giống như việc dùng các thành ngữ, các từ ngữ quen thuộc).

- Tiếng chửi, cho dù là chửi mình vốn rất hiếm trong văn học trung đại. (Hồ Xuân Hương trước đó cũng đã từng chửi: Chém cha cái kiếp lấy chồng chung) nhưng cũng nói lên được cách dùng ngôn ngữ bình dị để thể hiện vẻ đẹp của người lao động mà bà Tú là điển hình. Trong xã hội trọng nam khinh nữ, việc một nhà nho như Tú Xương không những đã nhận ra thiếu sót mà còn tự trách mình một cách thẳng thắn, là một nhân cách đẹp đã toát lên từ tiếng chửi này.

Câu 4. Nỗi lòng thương vợ của nhà thơ được thể hiện như thế nào? Qua bài thơ anh (chị) có nhận xét gì về tâm sự và vẻ đẹp nhân cách của Tú Xương?
- Nỗi lòng thương vợ của Tú Xương đã được thể hiện thành công qua bài thơ. Tựa đề Thương vợ chưa thể hiện được đẩy đủ tình thương của nhà thơ đối với vợ cũng như chưa nói được sâu sắc vẻ đẹp nhân cách của Tú Xương. Nhà thơ không chí thương vợ mà còn biết ơn vợ, không chỉ lên án “thói đời” mà còn tự trách mình, thẳng thắn tự nhận khiếm khuyết của mình. Điều đó càng chứng tỏ nhà thơ thương vợ nhiều hơn.
+ Bài thơ tập trung thể hiện được vẻ đẹp của hà Tú, một người phụ nữ đảm đang, vị tha và quan trọng hơn là sự thể hiện tấm lòng thương vợ, biết ơn vợ cũng như lời tự trách mình của Tú Xương.
+ Đề tài về người vợ, tình thương, sự yêu quý, biết ơn vợ là một đề tài mới so với những cảm xúc quen thuộc của văn học trung đại. Cảm xúc mới mẻ này lại được diễn đạt qua những hình ảnh và ngôn ngữ quen thuộc của văn học dân gian. Điều đó khẳng định tiếng thơ Tú Xương dù mới lạ nhưng vẫn có gốc rễ sâu xa từ văn học truyền thống.

3. Luyện tập
Phân tích sự vận dụng sáng tạo hình ảnh, ngôn ngữ văn học dân gian trong bài thơ.
Phân tích sự vận dụng sáng tạo hình ảnh, ngôn ngữ văn học dân gian trong bài thơ
- Cách vận dụng hình ảnh thân cò trong câu 2.
- Cách sứ dụng một số từ ngữ quen thuộc: eo sèo, lặn lội
- Cách dùng các thành ngữ: một duyên, hai nợ, năm nắng mười mưa
- Cách dùng tiếng chửi: cha mẹ thói đời.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây