© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Nhà văn chân chính nào cũng có một thế giới riêng. Cái thế giới ấy là những hình tượng sáng tạo ra do nhân sinh quan và vũ trụ quan của nhà văn, và phản ánh nên cái thực tế của thời đại

Thứ ba - 10/11/2020 09:36
Nhà văn chân chính nào cũng có một thế giới riêng. Cái thế giới ấy là những hình tượng sáng tạo ra do nhân sinh quan và vũ trụ quan của nhà văn, và phản ánh nên cái thực tế của thời đại
Nghị luận văn học: Nhà văn chân chính nào cũng có một thế giới riêng. Cái thế giới ấy là những hình tượng sáng tạo ra do nhân sinh quan và vũ trụ quan của nhà văn, và phản ánh nên cái thực tế của thời đại. (Nguyễn Tuân). Anh/chị làm sáng tỏ ý kiến trên.
Lãng khách cất bước ra đi trên con đường mịt mù gió bụi... Đôi chân chàng phiêu du như làn gió, đôi tay chàng ôm trọn hồn nước mây và đôi mắt chàng rực rỡ tựa như muôn vì tinh tú quyện hòa. Cùng là “một trang tài tử”, “một khách đa tình”, Nguyễn Tuân tựa như một lãng khách dừng bước chân phiêu bạt trên con đường văn chương Việt Nam. Ghé lại nghỉ ngơi, rồi yêu, rồi gắn bó lúc nào không hay, chàng tài tử Nguyễn Tuân giờ đã trở thành người quen của quán trọ văn chương, đã gửi gắm mộng văn chương của mình ở chốn nước non lặng lẽ này: Nhà văn chân chính nào cũng có một thế giới riêng. Cái thế giới ấy là những hình tượng sáng tạo ra do nhân sinh quan và vũ trụ quan của nhà văn, và phản ánh nên cái thực tế của thời dại.

Có rất nhiều định nghĩa về người nghệ sĩ. Nói như Sê-khôp, nhà văn chân chính là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy hay, say sưa và mãnh liệt hơn nữa, Enxa Triobo đã cất cao lời ngợi ca nhà văn là người cho máu. Họ nhìn nhà văn từ khía cạnh tư tưởng và đề cao giá trị tâm hồn của người nghệ sĩ. Còn đối với Nguyễn Tuân: Nhà văn chân chính nào cũng có một thế giới riêng. Cái thế giới ấy là những hình tượng sáng tạo ra do nhân sinh quan và vũ trụ quan của nhà văn, và phản ánh nên cái thực tế của thời đại. Ông đã đặt nhà văn trong mối liên hệ giữa hình tượng và cuộc sống, hình tượng và cái nhìn, nhân sinh quan của người cầm bút, để từ đó khái quát lên giá trị và tầm quan trọng của hình tượng trong văn chương và trong quá trình đánh giá một nhà văn. Nhà văn chân chính nào cũng có một thế giới riêng, cái thế giới được tạo lập bằng những hình tượng có khả năng bao quát cao nhất cuộc sống đang chảy trôi, có khả năng truyền tải được cho người đọc những nhân sinh quan, vũ trụ quan mà người viết đã nhọc công tìm tòi, khám phá và chắt lọc từ những quy luật vận động của con người cũng như xã hội. Và thế giới rộng lớn nhất của mỗi nhà văn chính là những tác phẩm, những trang viết. Nó là kết quả của một quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ, là phương thức ngắn nhất để chiếm lĩnh và tái tạo hiện thực xã hội thông qua hệ thống hình tượng mà nhà văn bao quát được. Đúng như quan niệm của Nguyễn Tuân, văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, tài năng, tâm hồn của mỗi nhà văn đều được thể hiện thông qua thế giới hình tượng của tác phẩm, nó chính là tấm gương phản chiếu quan niệm sống của người viết và hiện thực xã hội đang diễn ra. Nhà văn chân chính phải là người có cái tài thể hiện cá tính sáng tạo của mình thông qua hình tượng trong tác phẩm.

Nhắc đến khái niệm người nghệ sĩ, không thể thiếu vắng được cái “tôi” riêng biệt. Như Viên Mai đã nói làm người không cần có cái tôi nhưng làm thơ thì phải có cái tôi. Cái “tôi” nghệ sĩ được thể hiện qua tất cả mọi phương diện của tác phẩm: từ ngôn ngữ nghệ thuật đến nội dung tư tưởng. Một Huy Cận với cái “tôi” buồn tê tái cõi lòng, một Xuân Diệu với hồn thơ khát khao giao cảm với đời mãnh liệt và cháy bỏng, tất cả đã tạo nên được một thế giới riêng trong tác phẩm của họ. Thế giới riêng của mỗi nhà văn là sự kết tinh của một cá tính sáng tạo độc đáo, của những xúc cảm và rung động thẩm mĩ của họ với những vẻ đẹp của cuộc sống. Con người ai cũng cần có một góc riêng tư để bay bổng thăng hoa cùng với những buồn vui cuộc sống, những thăng trầm biến động của cuộc đời. Nhà văn cũng là con người, những người được ưu ái ban cho một trái tim nhạy cảm biết khóc cười trước bộn bề cuộc sống. Và họ đem những rung lộng ấy vào trong tác phẩm cũng như chúng ta trút những nỗi niềm ở chốn riêng của mình vậy. Nhưng tác phẩm văn chương không chỉ là một thế giới bộn bề để trút những xúc cảm cá nhân, nó là kết quả của một quá trình sáng tạo và chắt lọc những tinh hoa cuộc sống, những xúc cảm thẩm mĩ của người viết văn. Đó chính là nét riêng trong thế giới của mỗi nhà văn.

Thượng đế tạo nên cuộc sống từ cây cỏ, chim muông, từ đất đai rừng núi cho đến con người. Còn nhà văn tạo lập ra thế giới riêng của mình bằng những hình tượng văn học. Nó là bức tranh cuộc sông vừa cụ thể, cảm tính, vừa khái quát và có ý nghĩa thẩm mĩ lớn lao. Nói như Macxim Gorki, nghệ sĩ là người biết khai thác cái đẹp, cái ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy trong ấn tượng đó cái giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng ấy có được hình thức riêng. Đó chính là sự khái quát ngắn gọn nhất cho quá trình hình thành những hình tượng văn học trong các tác phẩm. Chỉ có ở văn học nghệ thuật mới tồn tại một phương thức chiếm lĩnh và tái tạo hiện thực một cách đầy đủ và thống nhất đến thế. Giữa cuộc sống tưởng chừng như bình yên của làng Vũ Đại, ta thấy nổi lên một đợt sóng thần dữ dội. Hình tượng nhân vật Chí Phèo đã cuốn phăng đi vẻ ngấm ngầm yên ả nhưng bên trong đang hỗn độn, mục ruỗng của một làng xã nông thôn Việt Nam thuở bấy giờ. Nó có giá trị phản ánh cuộc sống vô cùng sắc bén và chân thực. Văn học nghệ thuật luôn là công cụ đặc biệt để hiểu biết, khám phá và sáng tạo của nhà văn, và hình tượng văn học chính là lưỡi dao sắc bén để người viết xoáy sâu, đâm thẳng vào những ung nhọt của xã hội để mà phê phán, mà cải tạo.

Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, bản chất của nghệ thuật là sáng tạo thông qua quy luật của cái đẹp, vì thế hình tượng văn học đòi hỏi bản chất mĩ cảm, tính thẩm mĩ rất cao. Nó phải là bề sâu, là dòng nước mát lành ngọt ngào mà nhà văn khơi nguồn tìm kiếm. Hình tượng chiếc lá cuối cùng ngoài ô cửa sổ đã cứu sống cuộc đời của một con người trong câu chuyện cảm động về tình người của nhà văn Ô Hen-ri là biểu tượng đẹp nhất cho khát vọng nghệ thuật dâng trào, cho ước vọng sống cao đẹp của những người nghệ sĩ. Mỗi sáng tạo của nhà văn để tìm ra một hình tượng vừa có tính thẩm mĩ, vừa có giá trị phản ánh sâu sắc hiện thực đều là một sự dung công thần kì của con tim và khối óc người viết. Trước một bông hoa ta ngẩn ngơ say đắm, trước một đôi má hồng ta dào dạt thương yêu, gặp những giọt lệ buồn ta quặn thắt con tim. Chính những phút yêu thương hờn giận ấy qua ngòi bút sáng tạo của nhà văn đã trở thành một thế giới rất riêng trong tác phẩm - thế giới của hình tượng.

Đúng như lời nhận định của Nguyễn Tuân, thế giới hình tượng sáng tạo do nhân sinh quan và vũ trụ quan, của nhà văn, và phản ánh nên cái thực tế của thời đại. Giá trị của hình tượng chính là sự kết hợp giữa nhân sinh quan của người viết và cái thực tể của thời đại. Nó là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, được nhìn dưới lăng kính xúc cảm của nhà văn. Vì vậy mà thông qua các hình tượng nhân vật trong tác phẩm, bao giờ người đọc cũng nhận ra “đôi mắt”, nhìn thấy được phong cách độc đáo của nhà văn gửi gắm trong những đứa con tinh thần của mình. Một Hồ Chí Minh trí tuệ, cổ điển và hiện đại với hình tượng “trăng” soi tỏ những áng thơ hay, một Nam Cao lạnh lùng nhưng giàu tình thương với hình tượng người nông dân tha hóa và người trí thức sống mòn đã ăn vào gốc rễ tác phẩm, tất cả đều là những tuyệt bút, phản ánh được thực tế của thời đại thông qua cái nhìn chủ quan của nhà văn. Có tình nhưng vẫn không hề mất ý, có chất cảm quan nhưng vẫn không làm lu mờ hiện thực đời sống khách quan - đó chính là cơ sở để tạo hình tượng của nhà văn.

Điểm đến Hồ Chí Minh, Nam Cao... ta không thể không nhắc đến Nguyễn Tuân - người đi lượm lặt những cánh hoa tàn của thời quá khứ. Ông là một trong những nhà văn có khái niệm sớm nhất về hình tượng văn học trong tác phẩm của mình. Có người coi trọng cái chân, có người coi trọng cái thiện nhưng Nguyễn Tuân lại tôn thờ cái mĩ. Ông luôn nhìn cuộc đời và con người dưới góc độ thẩm mĩ, tiếp nhận cuộc sống từ nhiều góc độ vãn hóa, nghệ thuật. Chính vì vậy mà trong sáng tác của Nguyễn Tuân, đâu đâu ta cũng thấy được những chân dung và hình tượng con người tuyệt đẹp. Bản chất của cái đẹp trong văn chương Nguyễn Tuân là cái đẹp không khuynh hướng, không gắn với nội dung xã hội, cái đẹp độc đáo mà chỉ có ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân mới xây dựng nên được. Có lẽ vì vậy mà thông qua hệ thống hình tượng văn học trong tác phẩm, Nguyễn Tuân đã thể hiện được quan điểm nghệ thuật tích cực, đã làm nổi bật nhân sinh quan và vũ trụ quan vô cùng tích cực và tiến bộ về con người. Trong truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã gửi gắm nhân sinh quan về cái đẹp vào trong hình ảnh của người tử tù Huấn Cao. Nét đẹp của nhân vật được nhà văn xây dựng và tạo nên từ các góc nhìn khác nhau, tạo nên vẻ hoàn mĩ, vẻ rạng rỡ của tâm hồn và phẩm cách nhân vật. Huấn Cao đến được với ngươi đọc thông qua lời nhận xét của viên quản ngục, vừa là một tên đứng đần bọn phản nghịch nhưng lại là người có tài viết chữ rất nhanh và đẹp.

Nguyễn Tuân gửi đôi mắt nhìn, gửi nhân sinh quan tôn thờ cái đẹp của mình vào trong hình tượng người quản ngục. Người yêu hoa lúc nào cũng thấy hoa thơm dù bị gai nhọn làm ứa máu, người trọng tài bao giờ cũng tôn sùng kẻ có tài vượt qua mọi định kiến xã hội. Huấn Cao xuất hiện trong sáng tác Nguyễn Tuân với vẻ đẹp rực rỡ và tài hoa, với vị thế của một người nghệ sĩ đầy tài năng chân chính. Trong con mắt của viên quản ngục, kẻ đại diện cho xã hội phong kiến đương thời, Huấn Cao không chỉ là một kẻ tử tù mà còn là một nghệ sĩ tài hoa, là người đại diện cho cái đẹp, cho nghệ thuật. Nguyễn Tuân không cho Huấn Cao được sống nhưng lại nuôi dưỡng hình tượng người tử tù bất tử cùng thời gian, là ngôi sao chính vị kết tinh muôn vàn ánh sáng rực rỡ của cuộc đời này. Ta thấy được trong hình tượng nhân vật Huấn Cao khát khao hướng tới đỉnh cao của cái đẹp, sự hòa nhập và tôn thờ của nhà văn đối với thứ tôn giáo của đẹp. Từ hành động đến lời nói, ta đều thấy toát lên được những nét đẹp tâm hồn như viên ngọc sáng đang tỏa rạng trong con người ông. Trước khi là một người nghệ sĩ, Huấn Cao là kẻ tử tù sắp bị xử chém, nhưng ông vẫn không hề mất đi thần thái của một người anh hùng. Trước những đòn roi, luật lệ của tù ngục, ông vẫn thản nhiên, ngang tàng và ngạo nghễ. Hình ảnh người tử tù rỗ gông giống như “người thợ nề vác thang”, hình ảnh của một ông Huấn thản nhiên nhận rượu thịt của viên quan ngục khiến ta không khỏi trầm trồ. Cuộc sống của Huấn Cao đã vượt lên cái gọi là vật chất, thông thường. Sự sống hay lái chết cũng chỉ là một khoảnh khắc giữa cuộc đời phong trần gió bụi và oai sùng của Huấn Cao mà thôi. Ta chợt nhớ đến một thanh gươm công lí Từ Hải, một tấm lòng trọng nghĩa khinh tài của Lục Vân Tiên xưa kia.

Hình tượng của Huấn Cao cũng sánh ngang với các bậc trượng phu khí phách ngút trời, với những người anh hùng uy danh gầm vang sông núi xa xưa. Nhưng Nguyễn Tuân không chỉ chú trọng xây dựng nhân vật ở nét đẹp thần thái, phong cách mà còn khơi sâu nét đẹp tâm hồn, chất nghệ sĩ tài hoa uyên bác trong hình tượng nhân vật của mình. Ta không thể nào quên được một cảnh xưa nay chưa từng có, hình ảnh người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván và thầy thơ lại gầy gò, run run bưng chậu mực. Huấn Cao đẹp rạng rỡ trong giây phút thăng hoa và sáng tạo nghệ thuật. Đây đích thực là lúc cái đẹp được lên ngôi, được tôn thờ như một báu vật vô giá. Hình tượng người nghệ sĩ Huấn Cao chính là đại diện cho tinh hoa nghệ thuật, cho thiên lương cao cả. Bằng những nét chữ vuông vức tựa như tấm lòng mình, người nghệ sĩ Huấn Cao muốn gửi gắm thiên lương vào trong con người quản ngục. Dầu cho Huấn Cao chết đi nhưng thiện lương của ông sẽ còn mãi mãi bất tử cùng thời gian. Hình tượng, con người Huấn Cao sẽ sống vẹn nguyên trong con người quản ngục, và cái đẹp sẽ từ đó vĩnh hằng tỏa sáng giữa cuộc đời. Nhân vật Huấn Cao đã ôm trọn tất cả những khát khao hoài bão, những mong ước hướng tới một nét đẹp tuyệt mĩ của Nguyễn Tuân. Nhân sinh quan và vũ trụ quan của nhà văn không chỉ dừng lại ở tầm ảnh hưởng của tác phẩm mà sẽ còn bay xa hơn nữa. Cái đẹp mà nhà văn đang khai phá và kiếm tìm sẽ chẳng bao giờ biến mất mà sáng ngời mãi trong hình tượng nhân vật Huấn Cao.

Nguyễn Tuân xây dựng hình tượng Huấn Cao từ nguyên mẫu của danh sĩ Cao Bá Quát, một người văn chương vô tiền Hán, sống thanh cao và suốt cuộc đời chỉ cúi đầu trước hoa mai. Nhưng đồng thời, ông cũng là một người lãnh đạo phong trào nông dân nổi tiếng, phản đối chính sách áp bức bóc lột của chế độ phong kiến. Qua đó, Nguyễn Tuân không chỉ hướng nhân vật Huấn Cao đến cái đẹp tuyệt mĩ mà còn đưa nhân vật tới gần cuộc đời hơn. Văn chương là gì nếu không phải là tiếng kêu thống khổ của những kiếp lầm than, là những mảnh kính biến hình rọi chiếu mọi mặt của cuộc sống. Hình tượng Huấn Cao - một kẻ đứng đầu bọn phản nghịch và một nghệ sĩ tài hoa với thiên lương cao cả - đặt ra cho ta nhiều ngẫm ngợi. Có phải tại ông trời chơi ác, đem đầy ải những cái thuần khiết vào giữa đống cặn bã hay chính xã hội đã dồn con người ta vào bước đường cùng, không còn chốn nào để nương náu cái thiên lương trong sáng và cao đẹp của mình? Nguyễn Tuân xây dựng hình tượng Huấn Cao càng đẹp đẽ, càng trong sáng bao nhiêu thì tiếng nói phê phán xã hội càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Một xã hội khiến cho những con người chỉ biết nhàn tản cùng nghệ thuật cũng phải vùng lên đấu tranh để tìm ra lối thoát cho mình, một xã hội cạn tàu ráo máng, lạnh lùng giết chết những con người lương thiện thì sao có thể tốt đẹp được. Cái chết của Huấn Cao chính là sự tố cáo xã hội gay gắt nhất mà Nguyễn Tuân đã đặt cho tác phẩm của mình. Cái chết của những con người tài hoa cũng là sự dự báo cho tương lai chết dần chết mòn của xã hội. Dù là truyện ngắn lãng mạn nhưng nhà văn vẫn không quên thông qua hình tượng nhân vật để phản ánh và lật tẩy bộ mặt đen tối của xã hội. Từ đó, giá trị nhân đạo và tấm lòng nhà văn cũng sáng lên cùng nhịp đập của tác phẩm, đưa hình tượng nhân vật trở nên gần gũi với cuộc đời và con người hơn.

Quan niệm văn chương của Nguyễn Tuân: Nhà văn chân chính nào củng có một thế giới riêng. Cái thế giới ấy là những hình tượng sáng tạo ra do nhân sinh quan và vũ trụ quan của nhà văn, và phản ảnh nên cái thực tế của thời đại là quan niệm muôn đời. Nó đặt ra vai trò của người viết văn cũng như những chức năng cơ bản của văn chương. Mỗi nhà văn cần phải có ý thức xây dựng cho mình một thế giới hình tượng riêng. Nhân sinh quan, vũ trụ quan của người viết là cái gốc của hình tượng, vì vậy mà mỗi nhà văn phải có trách nhiệm rèn luyện nhân sinh quan sống tích cực để sáng tạo nên được những hình tượng có giá trị nhân văn cao cả, vừa phản ánh được hiện thực nhưng vẫn không làm mất đi giá trị nhân đạo của tác phẩm. Mỗi sáng tạo văn chương đều có ảnh hưởng rất lớn tới người đọc. Hành tượng văn học chính là phương tiện để giáo dục, nâng cao nhận thức của người đọc về cuộc sống và con người thông qua tác phẩm. Như Macxim Gorki đã nhận xét, văn học là nhân học, chức năng giáo dục của văn chương, đem đến cho người đọc những quan niệm sống cao đẹp phải được đặt lên hàng đầu, đồng thời cũng phải nâng cao nhận thức của người đọc về thực tế xã hội. Khi tiếp nhận mỗi tác phẩm văn học, cũng là ta đã hấp thu những tinh hoa, vốn sống mà người viết mất cả đời tìm tòi, khám phá. Chính vì vậy, người đọc văn cũng cần đọc sâu, hiểu thấu những ý đồ mà người nghệ sĩ gửi gắm trong hình tượng văn học, qua đó khái quát lên được phong cách độc đáo của nhà văn cũng như trau dồi thêm vốn sống cho mình. Có như vậy con đường nối giữa tác phẩm và độc giả mới ngắn hơn bước nữa.

Văn chương muôn đời vẫn luôn là mảnh đất bí ẩn cần được khai thác. Chắt chiu hàng ngàn hạt bụi quý giữa cuộc sống bề bộn ngoài kia để đúc lên “bông hồng vàng” văn chương, nhà văn đã thực sự đem đến hạnh phúc và vẻ đẹp cho cuộc sống này.
 
Trần Văn Thế
Trường Quốc Học Huế
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Thành phố Huế, năm 2018

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây