© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Nhật kí trong tù là một tập thơ có nghệ thuật đặc sắc

Thứ sáu - 22/01/2021 10:42
Nhật kí trong tù là một tập thơ có nghệ thuật đặc sắc
Nhận định về thơ Nhật kí trong tù, có ý kiến cho rằng: Thơ Nhật kí trong tù có bài hồn hậu, trong trẻo như thơ dân gian. Lại cũng có bài trang trọng, bát ngát như thơ Đường, thơ Tống. Giữ cốt cách Á Đông mà thơ vẫn rất hiện đại. Giản dị, phong phú mà vẫn có phong cách riêng. Nhật kí trong tù là một tập thơ có nghệ thuật đặc sắc.
Hãy chọn một số bài thơ trong tập Nhật kí trong tù phân tích để làm rõ nhận định trên. 

BÀI LÀM

Bao giờ cũng thế, một tác phẩm đặc sắc phải bao gồm được cái đặc sắc và thành công về cả hai mặt nội dung và nghệ thuật. Tác phẩm ấy như một nguồn nước giếng trong, khơi mãi vẫn không hết cái ngọt ngào sâu lắng của tình yêu con người, vẫn không vơi cạn nguồn sức mạnh truyền vào trong cuộc sống. Tác phẩm luôn luôn là sự thôi thúc nỗ lực tìm hiểu khám phá của người đọc. Nhật kí trong tù, tập thơ của Bác Hồ, tập nhật kí trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, là một tác phẩm như vậy. Rất nhiều năm tháng đã đi qua, mỗi thế hệ đọc lại Nhật kí trong tù đón nhận vào tâm hồn mình ánh sáng tư tưởng, tình cảm, khí phách của Bác, góp phần làm nên ánh sáng cho đời mình, đồng thời cũng thâm sâu, thưởng thức vẻ đẹp nghệ thuật đặc sắc của tập thơ, một vẻ đẹp trong suốt và lấp lánh toả ra từ chính cuộc đời Người, trí tuệ và trái tim. Đúng như sách giáo khoa đã nhận định: “Thơ Nhật kí trong tù... đặc sắc”. Đó là những nét độc đáo trong bút pháp, phong cách viết của Bác, sự kết hợp nhuần nhị cái đẹp của con người truyền thống của dân tộc và cái đẹp của con người thời đại mới, đập nhịp và in dấu ấn trên những dòng thơ...

Đọc Nhật kí trong tù, có những bài là bài học sâu sắc về triết lí nhân sinh, là lời đúc kết những kinh nghiệm sống... nhưng trong hoàn cảnh đoạ đày đen tối, cơ cực của bóng tối nhà tù Tưởng Giới Thạch, điều rất kì diệu là tiếng cười, âm thanh sự sống hồn nhiên, trong trẻo vẫn vang lên, biểu hiện một nghị lực, một ý chí phi thường, ta bắt gặp trong suốt hơn trăm bài thơ. Trong nụ cười tự hào này đây, có chất lạc quan khoẻ khoắn, tự tin của nghệ thuật dân gian Việt Nam:

Rồng uốn vòng quanh chân với tay
Trông như quan võ quấn tua vai
Tua vai quan võ bằng kim tuyến
Tua của ta là một cuộn gai.
(Dày trói) 

Lối nói ví von, niềm vui tự nhiên toả ra, không có chút gì “lên gân”, ngôn ngữ phóng đại, khoa trương mà rất thoải mái, bình dị. Hình ảnh Bác phía đằng sau bài thơ là hình ảnh một con người Việt Nam hồn hậu, hóm hỉnh, lạc quan, tươi trẻ. Nụ cười hồn nhiên đậm đà chất dân gian ấy như những mảnh sáng rải rác trong tập thơ, xua tan bóng tối ảm đạm của nhà tù, vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của thực tại, xoa dịu những đau đớn dằn vặt của tinh thần và thể xác. Nụ cười ấy vụt biến người tù thành vị “khách tiên” và thi hứng đột nhiên dạt dào bay bổng. Thơ Bác in đậm bóng dáng nụ cười, nhưng đâu phải để thi vị hoá cuộc đời lao lung, mà trên tất cả, để chứng tỏ cái tự do phóng khoáng không gì trói buộc nổi của mình: “thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao”. Giữa điệp trùng những tù đày gian khổ, những khi cùm chân ngồi trong ngục lạnh, những lúc bị giải đi ròng rã suốt mười mấy huyện của tỉnh Quảng Tây, cái “tự do” mà Bác thú nhận được vô cùng hiếm hoi... Có khi đó chỉ là một khoảnh khắc sảng khoái được ra ngoài lánh nạn lúc có máy bay tấn công, có khi là tầm mắt “nhìn qua cửa ngục” để được trông thấy một khoảng trời, một ánh trăng, vài bóng mây lờ lững, cũng có khi là cả một vùng non nước nên thơ “chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng”... Cái tự do tuy hạn chế nhưng rất đỗi “tự do” ấy đã đưa Bác thoát li khỏi nơi “sống khác loài người” để quyện hoà nhịp sống với thiên nhiên hiền hoà, trong trẻo, với sinh hoạt bình thường của quần chúng lao động. Thơ Bác cũng từ chỗ đó mà bình dị hồn nhiên, tưởng như hồn thơ dân gian toả ra giữa đất trời quyện vào hồn thơ của Người, tạo thành những bức tranh mộc mạc, trong suốt ánh sáng, toát ra từ những “Cảnh ngoài đồng” nhộn nhịp:

Tới đây khi lúa còn con gái
Gặt hái hôm nay quá nửa rồi
Khắp chốn nông dân cười hớn hở
Đồng quê vang dậy tiếng ca vui.

Thơ dân gian chuộng vẻ đẹp chân chất, mộc mạc, những nét phác nhẹ nhàng về sinh hoạt, tâm tư người lao động. Thơ của Bác cũng đơn sơ, bình dị như lời nói chuyện tự nhiên. Bài thơ không hề muốn kiếm tìm những điều mới lạ. Bác chỉ thuật lại cùng ta những gì đã nghe, đã thấy một cách giản dị. Qua một sự biến đổi ở đây, Bác nhìn thấy cả quá trình và thành quả lao động, thấy những giọt mồ hôi thầm lặng, tiếp nguồn sống nâng cây lúa lên cao đến thì con gái, thấy cả niềm vui của từng hạt lúa trong mùa thu hoạch thắng lợi. Hai câu thơ đầu kết hợp hai khoảng thời gian quá khứ và hiện tại, với hình ảnh chuyển tiếp nhau đến một cánh đồng, gợi ấn tượng về một vụ mùa tốt đẹp. Nhưng phía sau hai câu thơ là cả một tình cảm chan chứa niềm vui trước nông thôn rộn rã được mùa. Niềm vui ấy khiến Bác hiểu và cảm thông hơn bao giờ hết với lao động cần cù của người nông dân. Bác nhìn thấy họ trong nụ cười hớn hở, nghe thấy họ trong tiếng ca vui mừng vang dậy khắp đồng quê, nắm bắt rất nhạy cả những biểu hiện thái độ, tâm tư của người lao động.

Lòng người vui, Bác cũng rộn ràng, niềm vui ẩn giấu trong từng câu chữ đơn sơ của một bài thơ tả “cảnh ngoài đồng” bình dị, nhưng cũng cho ta thấy được tình yêu thiết tha gắn bó của Bác đối với cuộc sống, con người. Giá trị bài thơ là ở đó. Có một nhà phê bình đã nói về thơ Bác: “Câu thơ mộc mạc giản dị trên hình thức mà sâu thăm thẳm lòng nhân đạo, rất mực yêu thương con người, đó là cái chất lớn trong thơ Bác”. Có thể nói đó là cái chất thơ đã thành một mạch suối ngầm trong trẻo, cứ có dịp là tuôn hào ra một cách hồn nhiên, thoải mái, tràn đầy...

Nói về con người và tâm hồn Bác, chúng ta biết Bác là nơi hội tụ những gì tốt đẹp nhất lưu lại từ quá khứ và những mơ ước tương lai, là kết tinh những phẩm chất quý giá của lịch sử và thời đại. Cho nên ở Nhật kí trong tù có bài hồn hậu, trong trẻo như thơ dân gian, nhưng cũng có bài trang trọng, bát ngát như thơ Đường, thơ Tống, cốt cách Á Đông mà vẫn rất hiện đại: Bài Ngắm trăng tiêu biểu về đặc sắc nghệ thuật này của thơ Nhật kí trong tù:

Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Không biết tự bao giờ, ánh trăng đã toả sáng bàng bạc trong hầu hết những bài thơ phương Đông, vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, sâu xa của vầng trăng trở thành một “mô tip trữ tình”, bởi sự gần gũi với tâm hồn con người Á Đông - một sự hoà quyện, đồng cảm tự bên trong giữa con người và thiên nhiên. Trong cái bát ngát lung linh của vầng trăng - khoảng trời, phải chăng con người lắng nghe và phát hiện ra được cái chất người vĩnh cửu trong chính bản thân mình, trong sự im lặng mênh mang và huyền diệu của ánh trăng?... Bác Hồ của chúng ta rất yêu thiên nhiên, tâm hồn và thơ của Người tràn đầy ánh trăng, ánh trăng rất sáng, rất trong, rất đẹp.

Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.

Trăng, hoa, rượu là những thú vui thanh cao của các thi nhân Đường, Tống ngày xưa. Nhưng trong hoàn cảnh nhà tù “không rượu cũng không hoa” mà Bác vẫn đến với trăng, thật là nghệ sĩ! Câu thơ thứ hai nói lên cái bồn chồn náo nức của Bác trước ánh trăng, cái tha thiết tình yêu của tâm hồn Người với trăng. Hai câu thơ đầu cũng gợi lên một mâu thuẫn giữa tình yêu thiên nhiên của Bác và hoàn cảnh trong tù, giữa cảm hứng dạt dào, bay bổng, tràn đầy và thực tại xích xiềng, thiếu thốn.

Nếu đầu tiên, bài thơ mở ra một hình ảnh thi nhân ngày xưa, một không khí thơ Đường, thơ Tống: ánh trăng, rượu, hoa, một thi nhân biết bao nồng nàn tha thiết, say sưa với ánh trăng, thì bài thơ khép lại một cách bất ngờ và độc đáo trong tư thế vọng nguyệt của một người chiến sĩ. Chất thép và chất tình hoà quyện làm một. Bài thơ đậm đà chất phương Đông, cốt cách Á Đông, bỗng chốc rất hiện đại. Hình ảnh chiến sĩ lồng trong hình ảnh một thi sĩ đắm say thiên nhiên. 

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Trăng và người trong mối giao cảm tri âm, tri kỉ: Người hướng ra ngoài song sắt để đến với trăng, và trăng theo người toả ánh sáng vào trong tù. Con người và ánh trăng này rõ ràng là hết sức mới mẻ, hiện đại. Trăng và người như hai người bạn cùng yêu nhau, vượt qua các song sắt tàn bạo, cái hoàn cảnh khổ đau, ngăn trở của nhà tù. Nhất là trong hoàn cảnh cụ thể của người làm thơ, ánh trăng và tư thế vọng nguyệt kia biểu hiện chất thép của một người chiến sĩ cách mạng, đứng ở trên mọi gian khổ tù đày. Có thể nói rằng, Bác đã đưa ánh trăng toả sáng vào trong nhà tù hay chính tâm hồn người đã toả sáng trên vầng trăng của bài thơ này. Cùng một vầng trăng, mà biết bao mặc cảm, buông xuôi, chán chường trong thơ Nguyễn Khuyến “song thưa để mặc bóng trăng vào”, hay cái ngậm ngùi, thoát li của Tản Đà với “Trần thế em nay chán nửa rồi”. Trong cái bát ngát của vầng trăng trong thơ Bác, chúng ta lắng nghe và phát hiện ra cái chất người vĩnh cửu của Bác: một tình yêu phóng khoáng, nồng nàn, say đắm thiên nhiên, cuộc sống; một ý chí, một tinh thần cách mạng kiên cường luôn luôn hướng ra ánh sáng cuộc đời. Ánh trăng của Người không chỉ bàng bạc những nỗi niềm, tấc lòng con người như thơ xưa, ánh trăng của Người gắn bó thiết tha với con người và toả ánh sáng ra cuộc đời đó, trong sự hoà nhập vẻ đẹp của con người và thiên nhiên. Con người yêu thiên nhiên, đón nhận thiên nhiên và mang vẻ đẹp thiên nhiên tô điểm cho cuộc sống của mình, từ tình yêu thiên nhiên thêm nguồn sức sống để chiến đấu cho hạnh phúc, vẻ đẹp của con người. Bài thơ ngân lên một chất thơ mới, rất hiện đại, chỉ có thể có được từ tâm hồn, từ nhân sinh quan cộng sản: chất thơ như một sự vang hưởng giữa tâm hồn con người với thiên nhiên, sự vang hưởng làm tươi thắm và nảy nở những điều cao đẹp hơn, những hạt giống của hạnh phúc trong cuộc sống con người, nói một cách khác, tình yêu này, sự rung cảm này, chất thơ này trở thành một nguồn năng lượng vô tận cho hành động, sức sống, đi suốt cuộc đời mỗi người.

Một nét độc đáo ở thơ Bác là tính chất giản dị, phong phú và in đậm phong cách riêng. Bài thơ Chiều tối:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng.

Mở đầu bằng hai câu thơ miêu tả một cánh chim về chiều đang tìm chốn ngủ, một làn mây đang trôi nhẹ trên bầu trời. Miêu tả không gian, cảnh vật mà có cả sự vận động, có nhịp chảy của thời gian. Hai câu đầu có nhịp điệu man mác của một buổi chiều tối đang đi lần về sự khép lại một ngày. Có chút gì mệt mỏi, vội vã, nặng nề trong cánh chim và chòm mây buổi hoàng hôn kia...

Bức tranh với những màu xám tối của màn đêm đang buông xuống, chút ảm đạm lụi tắt của thiên nhiên, nhịp quay mỏi mòn của chiếc cối xay... tất cả bỗng bừng lên một sức sống, một sinh khí mới từ một chữ “hồng” đặt ở cuối bài thơ tứ tuyệt. Với một chữ “hồng” này, với cái màu hồng của lò than bỗng chốc rực lên từ cái đốm lửa thầm lặng ở hai câu trước, hình ảnh con người lao động và công việc đã được đặt lên vị trí trung tâm. Chính sức sống, chính màu đỏ của tình cảm con người đã toả hồng cả bức tranh, xoá tan đi cái mệt nhọc nặng nề của thiên nhiên. Bài thơ ghi lại những nét hiện thực rất bình dị của cuộc sống, nhưng dưới ngòi bút của Bác, qua tấm lòng của Bác, đã hiện lên trước mắt người đọc một bức tranh nghệ thuật độc đáo, một bài học về triết lí nhân sinh sâu sắc. Có thể mượn cách nói của Lưu Trọng Lư để nói về tính chất hàm súc, phong phú của thơ Bác: “Không thể nói mọi điều một cách cặn kẽ được, nhưng đã bắc được nhịp cầu cho những tứ hay, ý lớn chớm nở ở người viết và nở trọn ở người xem”. Trở lại với bài thơ Chiều tối, có thể xem đó là một khúc ca thầm lặng mà sâu sắc về con người và cuộc sống lao động chính là bàn tay lao động của cô gái kia đã sáng tạo nên sự sống tươi thắm của thiên nhiên và có chiều chuyển lưu của thời gian. Tưởng khép lại với thời gian đêm tối, bài thơ bỗng toả ra rực rỡ ánh hồng bao trùm tất cả. Cái màu hồng đó, cái tình cảm như đốm lửa đỏ giữa khung cảnh chiều tối đó, chỉ có thể là sản phẩm của tâm hồn người cộng sản vĩ đại Hồ Chí Minh, bởi vì đó là “một hình ảnh đẹp về cuộc đời thiếu thốn, vất vả mà vẫn ấm cúng, vẫn đáng quý, đáng yêu. Những hình ảnh như thế không thiếu gì chung quanh ta, nhưng thường nó vẫn cô trôi qua đi, không có một tấm lòng yêu đời sâu sắc, không thể nào ghi lại được” (Hoài Thanh).

Đọc thơ Bác, đi vào tìm hiểu nghệ thuật của thơ Người, chính là để nhận lấy ánh lửa đó, là để hiểu được một tâm hồn trong như pha lê, để soi mình vào “lòng sông gương sáng bụi không mờ” của một nhân cách, một cuộc đời vĩ đại mà bình dị hết sức, phong phú rộng lớn mà thông nhất rất mực. Nhật kí trong tù, với những thành công đặc sắc của nó, không chỉ là bài học rèn luyện, tu dưỡng về phong cách viết, về nghệ thuật diễn đạt đối với mỗi người cầm bút chân chính, có ý thức về trách nhiệm và niềm hạnh phúc của trang viết mình đối với cuộc đời, mà trước hết đó là bài học về lẽ sống con người, tình yêu thắm thiết và nguồn ý chí nghị lực, như ngọn lửa không bao giờ tắt.
 
Nguyễn Tuấn Nguyên
Trường THPT chuyên Yên Bái
Bài đạt giải Nhất kì thi học sinh Giỏi cấp Tỉnh năm 2014

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây