© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Trả lời câu hỏi 1, 2, 3, 4, 5 SGK Ngữ văn 9 trang 145,146: tác phẩm Bếp lửa của Bằng Việt.

Thứ sáu - 06/10/2017 06:16
Trả lời câu hỏi 1, 2, 3, 4, 5 SGK Ngữ văn 9 trang 145,146: tác phẩm Bếp lửa của Bằng Việt.
Vài nét về tác giả và tác phẩm

Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941 tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất., tỉnh Hà Tây. Ông học Đại học Luật tại Liên bang Nga rồi về công tác tại Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội một thời gian ngắn, ông cũng đã từng đi chiến trường B những năm 1969 - 1970 và 1972 - 1973. Ông gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1969, từ đó đến nay Bằng Việt đã giữ nhiều chức vụ khá quan trọng trong lĩnh vực văn nghệ.

Những tác phẩm chính: Hương cây, Bếp lửa (thơ, 1968); Những gương mặt, những khoảng trời (thơ, 1973); Đất sau mưa (thơ), 1977); Cát sáng (thơ, 1986 ); Mozart (dịch truyện danh nhân, 1978); Lọ lem (dịch thơ Eptusencô)...

Bằng Việt đã đoạt giải Nhất Văn học - nghệ thuật Hà Nội năm 1967 (bài Trơ lại trái tim mình), và Giải thưởng chính thức về dịch thuật vãn học quốc tế và phát triển giao lưu văn hoá quốc tế do Quỹ hoà bình Liên Xô trao tặng năm 1982.

Nhà thơ từng tâm sự: “... Tất cả những diều tôi viết ra trong đời đều chân thật, xuất phát từ cảm xúc chân thành (...). Mối quan tâm sâu sắc nhất của tôi trong đời là hạnh phúc con người. Những gì tôi nghiền ngẫm, tâm niệm đều xuất phát từ ao ước cháy bỏng: làm sao để con người có hạnh phúc”.

Bằng Việt viết Bếp lửa khi mới 19 tuổi, đang học ở Nga. Với cảm xúc dào dạt, lời thơ đẹp, giọng thơ thiết tha bồi hồi, hình tượng thơ độc đáo, sáng tạo, Bếp lửa đã là dấu ấn rất đẹp mà Bằng Việt ghi vào lòng bạn đọc buổi đầu đến với thơ.

Câu hỏi 1: Bài thơ là lời của nhân vật nào, nói về ai về điều gì?. Dựa vào mạch tâm trạng của nhân vật trữ tình, em hãy nêu bố cục của bài thơ.

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Căn cứ vào cách xưng hô để xác định ngôi, nhân vật trữ tình và đối tượng mà nhân vật này hướng tới. Theo dõi mạch cảm xúc (chú ý không gian, thời gian, kết hợp với các dấu hiệu ngữ pháp (sự chia tách khổ thơ...) để tìm ra bố cục của văn bản.

b. Gợi ý trả lời

Bài thơ là lời của người cháu về những kỉ niệm gắn với bếp lửa của người bà và tình bà cháu trong quá khứ. Ở đây, tác giả khai thác những tình cảm, kỉ niệm của chính mình thời thơ ấu nhưng người đọc không đồng nhất hoàn toàn tác giả và nhân vật trữ tình. Bởi vì, hình tượng cái tôi trữ tình dù gần với thực tế đến đâu cũng vẫn là kết quả sáng tạo của nhà thơ nhằm biểu hiện tư tưởng và cảm xúc. Nó mang ý nghĩa rộng hơn bản thân tác giả, mang tư tưởng và cảm xúc có giá trị phổ quát.

Mạch thơ đi từ hồi tưởng đến hiện tại, từ kỉ niệm đến suy ngẫm. Theo đó, có thể chia bố cục tác phẩm làm bốn phần. Phần mở đầu (ba dòng đầu tiên): là hình ảnh bếp lửa, là cái cớ để khơi nguồn dòng cảm xúc, hồi tưởng về bà. Phần hai (Bốn khổ tiếp theo: Lên bốn tuổi... chứa niềm tin dai dẳng ): tái hiện những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà và hình ảnh bà gắn liền với hình ảnh bếp lửa. Phần ba (Hai khổ thơ tiếp theo Lận đận đời bà.... bếp lửa): là những suy ngẫm về cuộc đời bà và phần bổn (khổ cuối): thể hiện lòng thương nhớ bà khôn nguôi của đứa cháu đang đi xa, đã trưởng thành.

Câu hỏi 2 : Trong hồi tưởng của người cháu, những kỷ niệm nào về bà và tình bà cháu đã được gợi lại? Em hãy chỉ ra sự kết hợp giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự, bình luận trong bài thơ và tác dụng của sự kết hợp ấy?.

a. Hướng dẫn tìm hiểu


Liệt kê các chi tiết về kỉ niệm tình bà cháu đã được ghi lại. Chú ý yếu tố thực, yếu tố miêu tả đan xen với yếu tố biểu cảm, cảm xúc trong mỗi hình ảnh, mỗi câu thơ.

b. Gợi ý trả lời

Dòng hồi tưởng bắt đầu với hình ảnh bếp lửa thân thương:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm 
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm


Hình ảnh bếp lửa “chờn vờn sương sớm” vừa rất thực, là hình ảnh ngọn lửa bập bùng hắt bóng lên vách mỗi buổi sớm mai, vừa có cảm giác như là hình ảnh được bao phủ bởi sương khói hoài niệm. Bắt đầu từ hình ảnh gợi nhớ ấy, những kỉ niệm nổi tiếp ùa về: Đó là kỉ niệm về tuổi thơ nghèo đói, gian khổ bị đè nặng bởi bóng đen của cái đói năm 1945:

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói 
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi 
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy 
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu. 


Đó còn là kỉ niệm về tiếng chim tu hú thiết tha:

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa 
... Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!


Tiếng chim quen thuộc ấy khắc sâu trong trí nhớ người cháu vì nó gắn với những câu chuyện của bà, vì nó gợi ra tình cảnh vắng vẻ, nhớ mong của hai bà cháu trong khi “Mẹ cùng cha công tác bận không về”. Tiếng chim có lẽ cùng vì thế mà không vô hình mà như khắc khoải, da diết, như có tình người, đến nỗi người cháu phải thốt lên:

Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?


Trong kí ức cua người cháu, cảnh giặc giã tàn phá xóm làng cũng in hằn như một vết cứa xót xa:

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi 
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi 
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh


Để thể hiện những kỉ niệm một cách sống động, cụ thể ấy, Bằng Việt đã kết hợp biểu cảm với miêu tả, tự sự, bình luận trong bài thơ. Có những hình ảnh rất thực được tả lại, kể lại: bếp lửa “ấp iu nồng đượm”; “khô rạc ngựa gầy”; “khói hun nhèm mắt cháu”.... Nhưng đồng thời, ở đó chúng ta cũng thấy một nét nghĩa nữa, sâu hơn, biểu cảm hơn. Từ “ấp iu” vừa gợi tả rất đúng hành động của người nhóm bếp vừa gợi tả sự khéo léo, kiên nhẫn và tấm lòng của bà. Làn khói bếp làm cay mắt cháu là có thực. Nhưng tác giả không dừng ở tự sự, miêu tả. Cảm giác cay đã được chuyển đổi rất tài tình:

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!

Cay ở đây không phải là cái cay nồng của khói nữa mà là cái cáy của dòng nước mắt cô ghìm giữ bên trong.

Không chỉ tự sự, biểu cảm, nhà thơ còn đan cài những lời bình luận: Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!.

Đặc biệt, Bằng Việt rất chú trọng đến yếu tố cụ thể, chính xác: những số từ (“bốn tuổi”, “tám năm ròng”); những lời nói được trích dẫn nguyên văn (lời của bà: “Bố ở chiến khu, bố còn việc bố, Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ. Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”)... Điều đó chứng: tỏ những kỉ niệm in dấu ấn rất đậm trong người cháu.

Nói tóm lại, với Bếp lửa, Bằng Việt đã rất khéo léo kết hợp yếu tố biểu cảm với miêu tả, tự sự, bình luận; giữa hình ảnh thực với  những liên tưởng ảo mờ sương khói hoài niệm... Tất cả tạo nên cảm giác vừa cụ thể, gần gũi, vừa vời xa, hư ảo của kỉ niệm. Điều này rất phù hợp với tính chất hồi tưởng, phù hợp với giọng ngọt ngào, êm dịu của bài thơ.

Câu hỏi 3: Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ. Hình ảnh bếp lửa được nhắc đến bao nhiêu lần? Tại sao khi nhắc đến bếp lửa là người cháu nhớ đến bà và ngược lại, khi nhớ về bà là nhớ ngay đến hình ảnh bếp lửa? Hình ảnh ấy mang ý nghĩa gì trong bài thơ này? Vì sao tác giả lại viết: “Ôi kì lạ và thiêng liêng – Bếp lửa”

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc lại bài thơ. Chú ý những câu có hình ảnh bếp lửa; hình ảnh đó được nhắc tới mấy lần và mỗi lần gợi ra những liên tưởng, ý nghĩa gì?

b. Gợi ý trả lời

Hình ảnh bếp lửa là hình ảnh trung tâm xuyên suốt cả bài thơ. Bằng Việt đã nhắc tới hình ảnh này 10 lần và mỗi lần đều liên hệ với những kỉ niệm về bà. Mỗi khi nhắc đến bếp lửa, người cháu lại nhớ đến bà và ngược lại. Có sự gắn bó như thế, trước hết là vì tính chất thực của hình ảnh. Chắc hẳn người cháu ở đây có một người bà tần tảo, hàng sáng hàng chiều đều dậy sớm nhóm bếp nấu nước, thổi cơm. Trong cuộc sống vắng vẻ của hai bà cháu, hình ảnh ấm ấp ấy dễ dàng ghi sâu vào tâm hồn non nớt, thơ trẻ của người cháu, không thể mờ phai.

Sự gắn bó này còn mang ý nghĩa biểu tượng. Bếp lửa bà nhóm hàng ngày không chỉ là bếp lửa thật. Bà là người nhóm lên niềm yêu thương, niềm vui, “nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”. Nhờ tình cảm yêu thương tha thiết dành cho bà mà người cháu nhận ra ý nghĩa sâu xa ấy.

Hình ảnh bếp lửa được miêu tả theo từng cấp độ từ cụ thể đến khái quát. Từ khổ 1 “Một bếp lửa ấp iu nồng đượm” đến khổ 6 “Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm”, ý nghĩa đã cách nhau khá xa. Bếp lửa tượng trưng cho tấm lòng yêu thương, chở che ấm áp của bà. Ngày ngày bà nhóm lên bếp lửa cũng chính là nhóm lên niềm vui, dành trọn niềm yêu thương cho con cháu.

Hơn thế nữa, đây không chỉ là bếp lửa được nhóm bằng củi, bằng tre mà còn được nhóm bằng ngọn lửa trong lòng bà, ngọn lửa của “niềm tin dai dẳng”. Bà không chỉ nhóm lên mà còn truyền ngọn lửa ấy cho tới thế hệ mai sau. Cảm nhận được ý nghĩa sâu xa, khái quát ấy của hình ảnh bếp lửa, tác giả mới thốt lên: “Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!”. Nói kì lạ là vì sức tỏa sáng ấm nóng của bếp lửa có khả năng soi rọi, chở che, nhen nhóm niềm tin trong tâm hồn cháu, tâm hồn của mọi người; nói thiêng liêng vì đây là ngọn lửa của tình yêu thương và đức hi sinh. Hình tượng “bếp lửa” nhờ thế mà có một ý nghĩa khái quát cao, là một sáng tạo độc đáo của riêng Bằng Việt.

Câu hỏi 4: “Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen  …..Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng”. Vì sao ở hai câu dưới tác giả dùng từ “ngọn lửa” mà không nhắc lại “bếp lửa”. “Ngọn lửa” ở đây có ý nghĩa gì? Em hiểu những câu thơ trên như thế nào?

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Chú ý khả năng gợi cảm và bao quát khác nhau giữa từ “bếp lửa” với từ “ngọn lửa”.
Căn cứ vào vị trí của câu thơ để xác định ý nghĩa (3 câu thơ ở khổ 5, phần thiên về suy ngẫm, vì thế tính chất thực nhường chỗ cho những tổng kết khái quát).

b. Gợi ý trả lời

Trong ba câu thơ:

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen 
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn 
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...


Ở hai câu cuối, tác giả dùng từ “ngọn lửa” thay cho từ “bếp lửa”. “Ngọn lửa” có khả năng khái quát cao hơn. Đến đây, tác giả đã tách lớp nghĩa thực ra khỏi hình ảnh. Không còn là bếp lửa bà vẫn nhen nhóm hàng ngày để thổi xôi, nướng sắn nữa. Đây là ngọn lửa của niềm tin, của tình yêu thương. Nó luôn có sẵn, được ấp ủ trong lòng bà mà không cần nhen nhóm. Ngọn lửa ấy có sức tỏa sáng và ấm nóng lâu bền hơn, mãnh liệt hơn. Với lớp nghĩa trừu tượng này, hình ảnh ngọn lửa mang lại cho câu thơ một ý vị triết lí sâu xa: tình yêu thương lớn lao của bà có thể sưởi ấm, có thể duy trì và truyền “niềm tin dai dẳng” cho cả những thế hệ mai sau.

Câu hỏi 5: Cảm nhận của em về tình cảm bà cháu được thể hiện trong bài thơ. Tình cảm ấy được gắn liền với những tình cảm nào khác?
a. Hướng dẫn tìm hiểu


Dựa vào những kỉ niệm được gợi lại để nhận xét về tình cảm bà cháu trong bài thơ. Lưu ý những liên tương gắn với tình bà cháu (bối cảnh đất nước, làng xóm lúc đó, thấp thoáng hình bóng của bố mẹ đi công tác vắng, lên chiến khu....).

b. Gợi ý trả lời

Tình cảm bà cháu được thể hiện trong bài thơ là tình cảm gần gũi, quen thuộc mà thiêng liêng. Những kỉ niệm về bà in trong tâm trí cháu là những gì bình dị, thân thương nhất. Đó là bếp lửa, là tiếng chim tu hú, là mái nhà tranh... Người bà hiện lên cũng thật gần gũi: “bà kể chuyện cháu nghe, bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học”, nhưng cũng thật lớn lao: bà có đức hi sinh cao cả, ấp ủ trong lòng ngọn lửa của niềm tin, ngọn lửa theo chân cháu suốt cả cuộc đòi. Đó là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam bình dị, hồn hậu, giàu lòng yêu thương và đức hi sinh thầm lặng.

Hình ảnh bà luôn gắn bó với hình ảnh quê hương, dù là một quê hương nhọc nhằn, vất vả. Nghĩ về bà với một lòng kính phục, yêu thương, người cháu cũng đồng thời nghĩ về những thời khác nhau của đất nước (năm 1945 “đói mòn đói mỏi”, kháng chiến chống Pháp...); nghĩ về những người hàng xóm đùm bọc lẫn nhau; về những khoai sắn ngọt bùi, giản dị chốn quê nhà... Những hình ảnh thân thương đó không lúc nào mờ phai trong tâm trí cháu dù cháu đã trương thành, đã đi xa, đã tiếp xúc với nhiều điều mới lạ:

Giờ cháu đã đi xa. 
Có ngọn khói trăm tàu 
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả 
Nhưng vẫn chang lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?....


Như vậy, tình bà cháu thiêng liêng chính là bước khởi đầu cho tình yêu quê hương, đất nước.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây