© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Trả lời câu hỏi 1, 2, 3, 4 SGK Ngữ văn 9 trang 157: Ánh trăng của Nguyễn Duy.

Thứ bảy - 07/10/2017 05:26
Trả lời câu hỏi 1, 2, 3, 4 SGK Ngữ văn 9 trang 157: Ánh trăng của Nguyễn Duy.
Vài nét về tác giả và tác phẩm

Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh ngày 7 tháng 12 năm 1948 tại xã Đông Vị, thành phố Thanh Hóa.

Nguyễn Duy tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1966, Nguyễn Duy gia nhập quân đội, có mặt ở nhiều chiến trường: Khe Sanh - Đường 9 - Nam Lào; mặt trận phía Nam và phía Bắc (1979).

Nguyễn Duy viết bút kí, tiểu thuyết, sáng tác thơ. Song ta biết đến Nguyễn Duy với danh nghĩa nhà thơ nhiều hơn. Thơ Nguyễn Duy mang đậm chất dân gian, vừa hiện đại vừa mang tính trí tuệ cao.

Các tác phẩm chính: Cát trắng (thơ, 1973); Ánh trăng (thơ, 1984); Nhìn ra bề rộng trời cao (bút kí, 1985); Khoảng cách (tiểu thuyết, 1985); Mẹ và em (thơ, 1987); Đường xa (thơ, 1989); Quà tặng (thơ, 1990); về (thơ, 1994)... Nhà thơ đã được Giải Nhất thơ tuần báo Văn nghệ (1973); tặng thưởng loại A về thơ của Hội Nhà văn Việt Nam (1985).

Bài thơ Ánh trăng trích giảng trong SGK được viết tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 1978 - khoảng 3 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bài thơ như một câu chuyện nhỏ tâm tình nhưng mang tính triết lí cao.

Câu hỏi 1: Em có nhận xét gì về bố cục của bài thơ?. Ánh trăng có sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình, trong dòng diễn biến của thời gian, sự việc, đâu là bước ngoặt để tác giả từ đó bộc lộ cảm xúc , thể hiện chủ đề của tác phẩm?.

а. Hướng dẫn tìm hiểu


Đọc kĩ bài thơ. Chú ý đến số khổ thơ trong bài, chú ý đến diễn biến thời gian, sự việc có tính chất bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc của mình.

b. Gợi ý trả lời

Bài thơ gồm 6 khổ thơ, được chia làm 3 phần:

Ba khổ thơ đầu tác giả kể lại tuổi thơ và khi đi lính làm bạn với ánh trăng, sau đó là sự thay đổi của cuộc sống trong hoà bình.

Khổ thứ 4 là sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng.

Hai khổ cuối thể hiện cảm xúc, suy tư của nhà thơ về những năm tháng tuổi thơ, năm tháng là người lính và những suy tư về cuộc đời.

Bài thơ như một câu chuyện nhỏ kể theo một trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại nên bài thơ giàu cảm xúc trữ tình và có cả yếu tố tự sự đan xen. Qua ánh trăng thiên nhiên, tác giả đã bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của mình về những năm tháng đã qua và năm tháng của hiện tại.

Câu hỏi 2: Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ mang nhiều tầng ý nghĩa. Hãy phân tích điều ấy. Khổ thơ nào trong bài thể hiện tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lí của tác phẩm?

a. Hướng dẫn tìm hiểu


Bài thơ viết về vầng trăng nhưng mang nhiều tầng ý nghĩa. Ánh trăng mang tính chất biểu tượng. Vì vậy cần chú ý đến khổ thơ thể hiện ý nghĩa biểu tượng ấy.

b. Gợi ý trả lời

Hình ảnh vầng trăng mang nhiều tầng ý nghĩa. Ánh trăng trở thành một biểu tượng để tác giả gửi gắm dòng cảm xúc của mình. Vầng trăng xuất hiện trong hai thời điểm khác nhau: ánh trăng gắn bó với nhà thơ hồi nhỏ, hồi chiến tranh và sự vô tình của tác giả với trăng khi về thành phố. Trong quá khứ của tuổi thơ, của cuộc đời người lính, trăng là hình ảnh thiên nhiên tươi tắn:

Hồi nhỏ sống với đồng 
với sông rồi với bể 
hồi chiến tranh ở rừng 
vầng trăng thành tri kỉ


Khi ở núi rừng gắn bó với cuộc đời lính, ánh trăng trở thành “tri kỉ”, “vầng trăng tình nghĩa”, vầng trăng thiên nhiên là người bạn đồng hành soi sáng nơi rừng núi, trăng vừa hồn nhiên, vừa gần gũi thân quen như cỏ cây quen thuộc. Ánh trăng được nhắc đến vừa bình dị, vừa nghĩa tình mà tác giả “ngỡ không bao giờ quên”. Song, sau khi về thành phố, sống một cuộc sống mới đầy đủ “ánh điện”, “cửa gương” tác giả đã vô tình quên mất “vầng trăng tình nghĩa” ấy. Cuộc sống hiện đại bộn bề công việc, cuốn con người đi theo, chỉ cần một sự vô tình, con người có thể quên đi những phút giây đáng nhớ hay những kỉ niệm êm đẹp một thời. Có ánh điện chiếu sáng rồi, vầng trăng không còn được chú ý đến nữa. Cuộc sống đã thay đổi, còn ánh trăng vẫn thế, vẫn chiếu sáng nơi nơi. Trăng vẫn là trăng của trời, biển, núi rừng ngày nào, nhưng giờ đây nơi cuộc sống đô thị, trăng đã thành “người dưng qua đường”. Trăng từ người “tri kỉ”, “tình nghĩa” đã trở thành “người dưng qua đường”, không có ai, kể cả tác giả, còn để ý đên vầng trăng nữa.

Và rồi cuộc sống cứ thế trôi qua, trôi qua đến lúc thành phố mất điện, các tòa nhà cao tầng bỗng tối om, vầng trăng mới đột ngột xuất hiện. Trong khoảnh khắc ấy, nhà thơ như gặp lại chính mình, gặp lại tuổi thơ, gặp lại vầng trăng tình nghĩa ngày xưa.

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông, là rừng.


Ánh trăng đã ùa vào tâm trí nhà thơ với niềm cảm xúc rưng rưng. Trong mạch cảm xúc, suy tư ấy, vầng trăng mang một ý nghĩa biểu tượng đặc biệt. Trăng “cứ tròn vành vạnh”, vẫn tròn trịa đầy ân tình, vẫn trước sau thủy chung như một, vẫn hoàn thiện thế, vẫn đẹp, bình dị dù con người có vô tình. Để một ngày kia bất chợt nhìn lại, bản thân ta giật mình trước ánh trăng lặng im không nói. Ánh trăng không còn dừng lại ở hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, hồn nhiên nữa, mà là biểu tượng cho quá khứ đẹp đẽ, cho những ngày gian nan nên vầng tràng vẫn còn nguyên vẹn không thể phai mờ. Ánh trăng là một nhân chứng, một tấm gương chiếu rọi về cuộc sống, quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Cuộc sống dù có đổi khác nhưng vầng trăng vẫn “tròn vành vạnh” để nhắc nhở chúng ta luôn tương nhớ về quá khứ, về kỉ niệm của nhửng năm tháng đã đi qua. Khổ thơ cuối trong bài thơ đã thể hiện tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh trăng cũng như chiều sâu tư tưởng triết lí của tác phẩm.

Câu hỏi 3: Nhận xét về kết cấu, về giọng điệu của bài thơ. Những yếu tố ấy có tác dụng gì đối với việc thể hiện chủ đề và tạo nên sức truyền cảm của tác phẩm?

a. Hướng dẫn tìm hiểu


Đọc lại bài thơ. Chú ý đến thể thơ được sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh và âm điệu của bài thơ.

b. Gợi ý trả lời

Bài thơ có sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố tự sự và trữ tình, như một câu chuyện riêng của tác giả nhưng lại trở thành chuyện chung của một thế hệ. Bài thơ viết theo thể thơ 5 chữ, mạch thơ tuôn chảy tự nhiên, giọng điệu tâm tình sâu lắng, nhịp nhàng theo lòi kể, lúc thì trào dâng cảm xúc dào dạt, lúc lại trầm lắng suy tư. Giọng điệu và kết cấu bài thơ đã làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Bài thơ giàu cảm xúc, có sức truyền cảm cao đên người đọc.

Câu hỏi 4 : Xác định thời điểm ra đời của bài thơ Ánh trăng, liên hệ với cuộc đời Nguyễn Duy để phát biểu chủ đề bài thơ. Theo cảm nhận của em, chủ đề ấy có liên quan gì đến đạo lí, lẽ sống của dân tộc Việt Nam ta?

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Bài thơ mang nhiều tầng ý nghĩa, cần chú ý đến ý nghĩa mang tính triết lí. Đồng thời dựa vào hoàn cảnh ra đời bài thơ và liên hệ với cuộc đời của tác giả để nhận xét về chủ đề của bài thơ.

b. Gợi ý trả lời

Ánh trăng là một bài thơ mộc mạc, giản dị nhưng là lời nhắc nhở nghiêm khắc với chúng ta về những kỉ niệm, những ân tình, những năm tháng quá khứ gian lao đã qua.

Từ câu chuyện tâm tình của một người đã trở thành chuyện của muôn người, chuyện của cả một thế hệ. Tuổi thơ nghèo khó đã qua, những năm tháng gian lao, khắc nghiệt của cuộc chiến tranh đã đi qua, cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, với núi rừng cũng qua đi. Đất nước đã hoà bình, cuộc sống hiện đại cuốn con người đi cùng với những bề bộn công việc, con người dễ lãng quên quá khứ, quên chính bản thân mình.

Bài thơ là lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hoà và nêu lên một đạo lí sống lẽ sống của người Việt Nam “Có trước có sau”, “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ, khi sung sướng không quên lúc cơ hàn.

Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ quân đội trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc. Thế hệ Nguyễn Duy từng trải qua những năm tháng gian lao, khắc nghiệt, từng sống giữa núi rừng thiên nhiên tĩnh nghĩa, sống giữa tình đồng đội và tình bao bọc của nhân dân.

Nhà thơ đứng trên mảnh đất hôm nay để ngẫm lại quá khứ đã qua, và đi từ tâm trạng riêng đến tiếng nói chung của cả mọi người, vầng trăng trong bài thơ mang tính biểu tượng, trăng không chỉ là thiên nhiên mà còn là quá khứ tình nghĩa. Vì vậy, bài thơ gợi nhác mọi người nhớ về cội nguồn và trở về với lẽ sống chung thủy tình nghĩa.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây