© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề cương ôn tập Khoa học 5: Thực vật và Động vật

Thứ bảy - 20/04/2019 11:32
Đề cương ôn tập học kì II, môn Khoa học 5: Phần Thực vật và Động vật
CƠ QUAN SINH SẢN CỦA THỰC VẬT CÓ HOA
 
Câu 1: Kể tên một số loài hoa có cả nhị và nhuỵ; một số loài hoa chỉ có nhị (hoa đực) hoặc nhuỵ (hoa cái).
- Một số hoa có cả nhị và nhuỵ như: hoa hồng, hoa lan, hoa đào, hoa cúc, hoa rong riềng, hoa phượng, …
- Một số loài có hoa đực và hoa cái riêng như: hoa bí, hoa mướp, …
 
Câu 2: Nêu từng bộ phận của nhị và nhuỵ?
- Nhị (hoa đực) gồm: bao phấn (chứa các hật phấn), chỉ nhị.
- Nhuỵ (hoa cái) gồm: đầu nhuỵ, vòi nhuỵ, bầu nhuỵ, noãn.
 
Câu 3: Cơ quan sinh sản của thực vật có hoa là gì?
Hoa là cơ quan sinh sản của những thực vật có hoa. Cơ quan sinh dục đực gọi là nhị. Cơ quan sinh dục cái gọi là nhuỵ.
Một số cây có hoa đực riêng, hoa cái riêng. Ở đa số các cây khác, trên
cùng một  hoa có cả nhị và nhuỵ.
 
SỰ SINH SẢN CỦA THỰC VẬT CÓ HOA
 
Câu 1: Thế nào là sự thụ phấn, sự thụ tinh, sự hình thành hạt và quả?
- Hiện tượng đầu nhuỵ nhận được những hạt phấn của nhị gọi là sự thụ phấn.
- Sau khi thụ phấn, từ hạt phấn mọc ra ống phấn. Ống phấn đâm qua đầu nhuỵ, mọc dài ra đến noãn. Tại noãn, tế bào sinh dục đực kết hợp với tế bào sinh dục cái tạo thành hợp tử. Hiện tượng đó gọi là sự thụ tinh.
- Hợp tử phát triển thành phôi. Noãn phát triển thành hạt chứa phôi. Bầu nhuỵ phát triển thành quả chứa hạt.
 
Câu 2: Nêu cách phân biệt hoa thụ phấn nhờ côn trùng, hoa thụ phấn nhờ gió? Kể tên một vài loài hoa.
- Các loài hoa thụ phấn nhờ côn trùng thường có màu sắc sặc sỡ và hoặc hương thơm, mật ngọt hấp dẫn côn trùng.
Ví dụ: hoa lan, hoa huệ, hoa hồng, hoa thược dược, hoa hướng dương, …
- Các loài hoa thụ phấn nhờ gió không có màu sắc đẹp, cánh hoa, đài hoa thường nhỏ hoặc không có.
Ví dụ: các loại cây cỏ, lúa, ngô, …
 
CÂY CON MỌC LÊN TỪ HẠT
 
Câu 1: Mô tả cấu tạo của hạt.
Hạt gồm: vỏ, phôi và chất dinh dưỡng dự trữ.

Câu 2: Nêu điều kiện nảy mầm và quá trình phát triển thành cây của hạt?
- Điều kiện để hạt nảy mầm là có độ ẩm và nhiệt độ thích hợp (không quá nóng, không qua lạnh)
- Quá trình phát triển thành cây của hạt (đỗ): Gieo vài hạt đỗ xuống đất ẩm với đủ điều kiện về độ ẩm và nhiệt độ thích hợp. Sau vài ngày hạt đỗ sẽ phình lên vì hút nước. Vỏ hạt nứt để rễ mầm cắm xuống đất. Tiếp theo, từ xung quanh rễ mầm mọc ra nhiều rễ con. Sau vài ngày, rễ mầm mọc nhiều hơn nữa, thân mầm lớn lên, dài ra và chui lên khỏi mặt đất. Hai lá mầm xoè ra, chồi mầm lớn dần và sinh ra các lá mới. Sau đó hai lá mầm teo  dần, rụng xuống, cây con bắt đầu đâm chồi,rễ mọc nhiều hơn. Cùng với thời gian, cây con phát triển thành cây trưởng thành, rồi ra hoa và kết quả. Quả lớn dần rồi già đi cho hạt để tiếp tục gieo trồng như vậy.
 
CÂY CON CÓ THỂ MỌC LÊN
TỪ MỘT SỐ BỘ PHẬN CỦA CÂY MẸ
 
Câu 1: Tìm vị trí chồi ở một số cây khác nhau?
Một số cây có chồi ở thân cây, lá cây, củ, …
 
Câu 2: Kể tên một số cây mọc ra từ bộ phận của cây mẹ?
- Cây mía, trầu không, hoa hồng, … có chồi mọc ra từ nách lá.
- Trên củ khoai tây, củ gừng có nhiều chỗ lõm vào. Mỗi chỗ lõm vào đó có một chồi.
- Phía trên đầu của củ hành hoặc củ tỏi có chồi mọc nhô lên.
- Đối với lá bỏng, chồi được mọc ra từ mép lá.
 
SỰ SINH SẢN CỦA ĐỘNG VẬT
 
Câu 1: Trình bày khái quát về sự sinh sản của động vật: Vai trò của cơ quan sinh sản, sự thụ tinh, sự phát triển của hợp tử?
- Đa số loài vật chia thành hai giống: đực và cái. Con đực có cơ quan sinh dục đực tạo ra tinh trùng. Con cái có cơ quan sinh dục cái tạo ra trứng.
- Hiện tượng tinh trùng kết hợp với trứng tạo thành hợp tử gọi là sự thụ tinh.
- Hợp tử phân chia nhiều lần và phát triển thành cơ thể mới, mang những đặc tính của bố và mẹ.
 
Câu 2: Kể tên một số loài đẻ trứng, một số loài đẻ con.
Những loài động vật khác nhau thì có cách sinh sản khác nhau: có loài đẻ trứng, có loài đẻ con.
- Các con vật được nở ra từ trứng như: sâu, thạch sùng, gà, vịt, ngan, ngỗng, nòng nọc, …
- Các con vật vừa đẻ ra đã thành con: voi, chó, lợn, trâu, bò, sư tử, hổ, …
 
SỰ SINH SẢN CỦA CÔN TRÙNG
 
Câu 1:  Kể tên một số loài côn trùng?
Một số loài côn trùng như: gián, ruồi, muỗi, ong, bướm cải,…
 
Câu 2: Trình bày quá trình phát triển của bướm cải?
- Bướm cải thường đẻ trứng vào mặt sau của lá, đẻ trứng vào đầu hè. Sau 6-8 ngày, trứng nở thành sâu.
- Sâu ăn lá lớn dần cho đến khi da ngoài trở nên quá chật, chúng lột xác và lớp da mới được hình thành. Khoảng 30 ngày sau, sâu ngừng ăn,
- Sâu leo lên tường, hàng rào hay bậu cửa. Vỏ sâu nứt ra và chúng biến thành nhộng.
- Trong vòng 2-3 tuần, một con bướm nhăn nheo chui  ra khỏi kén. Tiếp đó bướm xoè đôi cánh cho khô rồi bay đi.
- Bướm cải lại tiếp tục đẻ trứng vào lá rau cải, bắp cải hay súp lơ.
 
Câu 3: Giai đoạn nào trong quá trình phát triển bướm cải gây thiệt hại nhiều nhất?
Bướm cải thường đẻ trứng vào mặt sau của lá rau, trứng nở thành sâu. Sâu ăn lá rau để lớn. Như vậy, sâu càng lớn, càng ăn nhiều lá rau để sống cho nên đây là giai đoạn bướm cải gây thiệt hại nhiều nhất.
 
Câu 4: Trong trồng trọt có thể làm gì để giảm thiệt hại do côn trùng gây ra đối với cây cối, hoa màu?
Để giảm thiệt hại cho hoa màu do côn trùng gây ra, trong trồng trọt người ta thường áp dụng các biện pháp: bắt sâu, phun thuốc trừ sâu, diệt bướm, …
 
Câu 5: Nêu sự giống nhau và khác nhau trong chu trình sinh sản của ruồi và gián? Chúng thường đẻ trứng ở đâu? Nêu một vài cách diệt ruồi và gián?
* Giống nhau: ruồi và gián đều là động vật đẻ trứng.
* Khác nhau:
+ Ruồi:
- Đẻ trứng nơi có phân, rác thải, xác chết động vật, …
- Chu trình sinh sản: Trứng ruồi nở ra dòi (ấu trùng). Dòi hoá nhộng, nhộng nở ra ruồi.
- Cách tiêu diệt: Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, … Phun thuốc diệt ruồi.
+ Gián:
- Đẻ trứng ở xó bếp, ngăn kéo, tủ quần áo, ..
- Chu trình sinh sản: Gián đẻ trứng, trứng nở thành con mà không qua các giai đoạn trung gian.
- Cách tiêu diệt: Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở, nhà bếp, nhà vệ sinh, nơi để rác, tủ bếp, tủ quần áo, … Phun thuốc diệt gián.
 
SỰ SINH SẢN CỦA ẾCH
 
Câu 1: Nêu chu trình sinh sản của ếch (vẽ sơ đồ hoặc viết)
Chu trình sinh sản của ếch: Đầu mùa hạ, ngay sau cơn mưa lớn, vào ban đêm, ta thường nghe thấy tiếng ếch kêu. Đó là tiếng kêu của ếch đực gọi ếch cái. Ếch cái đẻ trứng xuống nước tạo thành những chùm nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Trứng ếch đã được thụ tinh nở ra nòng nọc, nòng nọc phát triển thành ếch.
 
Câu 2: Nêu sự phát triển của nòng nọc cho đến khi thành ếch.
Trứng ếch mới nở thành nòng nọc con có đầu tròn, đuôi dài và dẹp. Nòng nọc lớn dần lên, mọc ra hai chân phía sau, rồi tiếp tục mọc hai chân phía trước. Khi ếch con có đủ bốn chân, đuôi ngắn dần và  bắt đầu nhảy lên bờ phát triển thành ếch trưởng thành.
Như vậy, ếch là động vật đẻ trứng. Trong quá trình phát triển, con ếch vừa trải qua đời sống dưới nước, vừa trải qua đời sống trên cạn (giai đoạn nòng nọc chỉ sống ở dưới nước).
 
SỰ SINH SẢN VÀ NUÔI CON CỦA CHIM
 
Câu 1: Trình bày sự phát triển phôi thai của gà (chim) trong quả trứng?
- Trứng gà (hoặc trứng chim,…) đã được thụ tinh tạo thành hợp tử. Khi chưa ấp nó có lòng trắng và lòng đỏ riêng biệt.  Nếu được ấp, hợp tử sẽ phát triển thành phôi (phần lòng đỏ sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cho phôi thai phát triển thành gà con hoặc chim non). Khi được ấp khoảng 10 ngày có thể nhìn thấy mắt gà (phần lòng đỏ còn lớn, phần phôi mới bắt đầu phát triển). Sau khoảng 15 ngày, có thể nhìn thấy phần đầu, mỏ, chân, lông gà (phần phôi đã lớn hẳn, phần lòng đỏ nhỏ đi). Quả trứng đã được ấp khoảng 20 ngày, có thể nhìn thấy đủ các bộ phận của con gà, mắt đang mở (phần lòng đỏ không còn nữa).
- Trứng gà cần ấp trong khoảng 21 ngày thì sẽ nở thành gà con.
 
Câu 2: Trình bày về sự nuôi con của chim?
Trong tự nhiên, chim sống theo đàn hoặc cặp (từng đôi). Chúng thường biết làm tổ. Chim mái đẻ trứng và ấp trứng; sau một thời gian trứng nở thành chim non. Hầu hết chim non mới nở đều yếu ớt, chưa thể tự kiếm mồi được ngay. Chim bố và chim mẹ thay nhau đi kiếm mồi về nuôi chúng cho đến khi chúng có thể tự đi kiếm ăn.
 
SỰ SINH SẢN CỦA THÚ
 
Câu 1: Bào thai của thú phát triển ở đâu?
Bào thai của thú phát triển ở trong bụng mẹ.
 
Câu 2: So sánh sự giống và khác nhau trong chu trình sinh sản của thú và chim?
- Giống nhau: Cả chim và thú đều có bản năng nuôi con cho đến khi chúng có thể tự đi kiếm ăn.
- Khác nhau:
+ Chim đẻ trứng rồi mới nở thành con.
+ Thú: So với chim, sự sinh sản của thú có sự tiến hoá hơn:
* Thú là động vật đẻ con và nuôi con bằng sữa.
* Ở thú, hợp tử được phát triển trong bụng mẹ, thú con mới sinh ra đã có hình dạng giống như thú mẹ.
 
Câu 3: Kể tên một số loài thú thường đẻ mỗi lứa một con, mỗi lứa nhiều con?
- Một số loài thú mỗi lứa thường đẻ một con: trâu, bò, ngựa, hươu, nai, hoẵng, voi, khỉ, …
- Một số loài thường đẻ mỗi lứa nhiều con: lợn, mèo, chó, hổ, sư tử, chuột,
 
SỰ NUÔI VÀ DẠY CON CỦA MỘT SỐ LOÀI THÚ
 
Câu 1: Trình bày sự sinh sản và nuôi con của hổ.
- Hổ là loài thú ăn thịt, sống đơn độc, chỉ sống thành đôi vào mùa sinh sản đó là mùa xuân và mùa  hạ.
- Hổ đẻ mỗi lứa từ 2 đến 4 con. Hổ con lúc mới sinh rất yếu ớt nên hổ mự phải ấp ủ, bảo vệ chúng suốt tuần đầu.
- Khi hổ con được hai tháng tuổi, hổ mẹ dạy chúng săn mồi. Từ một năm rưỡi đến hai năm tuổi, hổ con có thể sống độc lập.
 
Câu 2: Trình bày sự sinh sản và nuôi con của hươu.
- Hươu là loài thú ăn cỏ, lá cây, sống theo bầy, đàn.
- Hươu thường đẻ mỗi lứa một con. Hươu con vừa mới sinh ra đã biết đi và bú mẹ. Hươu mẹ chăm sóc và bảo vệ con rất chu đáo. Khi hươu con được khoảng 20 ngày tuổi, hươu mẹ dạy con tập chạy (Tại vì, chạy là cách tự vệ tốt nhất của loài hươu để trốn kẻ thù (hổ, báo,…) không để kẻ thù đuổi bắt và ăn thịt.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây