© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Trả lời câu hỏi 3 SGK Ngữ văn 9 trang 108

Thứ ba - 03/10/2017 06:13
Trước thái độ của Kiều, Hoạn Thư đã xử trí ra sao? Lời kêu ca của Hoạn Thư thực chất là lí lẽ để gỡ tội. Em hãy tìm hiểu:
- Trình tự lí lẽ của Hoạn Thư
- Các lí lẽ của Hoạn Thư đã tác động tới Kiều như thế nào?
- Qua lời đối đáp của Hoạn Thư, em có cảm nhận gì về tính cách của nhân vật này?.
a. Hướng dẫn tìm hiểu

Sau những lời lẽ cảnh cáo của Thuý Kiều, người đọc được chứng kiến một màn kịch rất “ranh ma” của Hoạn Thư. Với thân phận là một “thủ phạm” đã bị lôi ra trước pháp trường với những đao phủ đã “gươm tuốt nắp ra” sẵn sàng chờ lệnh, đối diện người phán xử chính là “kẻ tôi đòi” trước đây đã bị hành hạ, Hoạn Thư “hồn lạc phách xiêu”. Đâu còn vẻ sắc sảo, đanh đá, cay nghiệt của bà “vợ cả”, tiểu thư thường ngày. Người đàn bà nay tự biết tội trạng của mình, cảnh ngộ của mình lúc này khó tránh khỏi lưỡi gươm trừng phạt. Nhưng với bản chất khôn ngoan, sắc sảo, quỷ quyệt, “tiểu thư” họ Hoạn đã kịp trấn tĩnh lại, tìm cách biện hộ và gỡ tội cho mình. Hoạn Thư tính toán “liệu điều kêu ca” bằng lí lẽ có vẻ rất chặt chẽ và hợp lí.

Lí lẽ của Hoạn Thư nhằm xóa đi sự giữa Kiều và mình, đưa Kiều từ vị thế “đối địch” trở thành người cùng cảnh ngộ. Hoạn Thư không hề chối tội nhưng lại thanh minh cho hành động “ghen tuông” của mình là cái sự “thường tình”, là bản chất của “phận đàn bà” bằng viện dẫn lí lẽ về tâm lí chung của người phụ nữ: “chồng chung ai dễ ai chiều cho ai”. Cách biện bạch nghe có vẻ “hợp lí” ấy khiến cho Hoạn Thư từ một tội nhân trở thành nạn nhân của chế độ đa thê trong xã hội phong kiến.

Hoạn Thư tiếp tục màn “bào chữa” của mình bằng việc gợi lại chút “tình xưa nghĩa cũ” giữa Kiều và cô ta:

Nghĩ cho khi gác viết kinh 
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.


Cách gợi chuyện của Hoạn Thư khiến cho Kiều phải nhớ lại ngày cô ta để Kiều đến “giữ chùa, chép kinh”, không phải làm tì thiếp nữa và khi Kiều bỏ trốn khỏi nhà họ Hoạn mang theo chút của cải nhưng Hoạn Thư đã bỏ qua. Hoạn Thư tỏ ra là một người đàn bà khôn ngoan, giảo hoạt bởi đã tìm được lí lẽ để tác động vào lòng biết ơn nhân nghĩa của Kiều. Nhưng chưa dừng ở đó, Hoạn Thư vẫn tiếp tục “tung ra” một “tuyệt chiêu”, đó là sự “ngoan ngoãn nhận tội”. Cô ta tự kết án chính mình là “trót lòng gây việc chông gai” nhưng lại nhằm khơi gợi sự rộng lượng bao dung của “người xử án”. Như vậy cùng một lúc Hoạn Thư sử dụng rất nhiều “mánh khóe” tác động đến lòng thương người, sự nhân hậu, bao dung vốn có trong tâm hồn Kiều. Bởi cô ta hiểu hơn ai hết những tội ác đã gây ra và sự đau đớn, tủi nhục của Kiều và cũng biết chắc một điều, rằng trước phiên tòa của công lí thì không cách nào có thể trốn thoát được.

Có thể nói, qua lời lẽ, cử chỉ, giọng điệu của Hoạn Thư trong màn “báo ân báo oán” này một lần nữa người đọc được gặp một Hoạn Thư quỷ quái, giảo hoạt, tinh ma. Từ thân phận là một tội nhân Hoạn Thư đã tự bào chữa cho mình thành nạn nhân bằng những lí lẽ rất hợp lí, hợp tình.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây