© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Trả lời câu hỏi 4 SGK Ngữ văn 9 trang 108

Thứ ba - 03/10/2017 06:15
Vì sao Thuý Kiều tha bổng Hoạn Thư? Việc làm ấy của Kiều hợp lí hay không hợp lí, là đúng hay đáng trách? Lí giải cách lựa chọn của em?
Những lời cuối cùng Kiều nói với Hoạn Thư cho thấy Kiều là người như thế nào?
a. Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc kĩ đoạn còn lại của đoạn trích và liên hệ phần gợi ý trả lời của câu hỏi 3 để thấy được lời lẽ biện hộ của Hoạn Thư. Cũng cần phải vận dụng kiến thức về nhân vật Thuý Kiều trong cả tác phẩm để lí giải một cách thấu đáo cách giải quyết của Kiều ở đoạn trích này.

b. Gợi ý trả lời

Trước lời gỡ tội vừa có tình, vừa có lí của Hoạn Thư, Kiều đã bị thuyết phục. Những lời cầu xin đúng mực, thái độ chân thành dẫn những lí lẽ thường tình ở đời của Hoạn Thư, chính Kiều cũng phải khen: “khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”. Có vẻ trước thái độ thành khẩn ấy Kiều đã dần nguôi ngoai sự oán hận về những đau đớn mà Hoạn Thư đã gây ra cho nàng. Trước giờ “tuyên án” Kiều cũng phải đắn đo, lựa chọn giữa hai cách giải quyết:

Tha ra, thì cũng may đời,
Làm ra, thì cũng ra người nhỏ nhen.


Và Kiều đã quyết định rất nhanh. Không thể là một “người nhỏ nhen”, lấy oán trả oán nên Kiều đã tha tội cho Hoạn Thư. Một kết thúc quá bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, trong đó có Hoạn Thư - một tội phạm đang chờ lời phán xét cuối cùng. Chắc chắn có nhiều người sẽ không đồng tình với quyết định này của Thúy Kiều. Họ cho rằng Kiều dễ tin ngươi quá, dễ bị thuyết phục quá. Bao nhiêu đau đớn, tủi cực ê chề mà Hoạn Thư đã gây ra cho Kiều chỉ với vài lời biện hộ và thái độ ăn năn giả tạo của cô ta lại có thể xóa sạch được ư? Nhưng nếu đặt trong lô-gíc của truyện và đặc biệt là với tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du thì có thể nói đây là kết cục hợp lí. 

Nguyễn Du không thể để một nàng Kiều trung hậu; trong sáng, giàu lòng bao dung lại đưa ra một quyết định lạnh lùng là trừng phạt, hành hạ kẻ có tội. Chắc chắn với một trí tuệ thông minh, sắc sảo như Kiều không thể bị thuyết phục dễ dàng đến thế, và những lời lẽ của Hoạn Thư không thể “che mắt” được vị “quan tòa” này. Song lòng nhân hậu vị tha của nàng đã chiến thắng. Đã từng phải nếm trải qua sự đau đớn, Kiều hiểu hơn ai hết về thân phận người phụ nữ. Vì thế thực sự Nguyễn Du đã phải dằn lòng mình để Thuý Kiều tha tội cho Hoạn Thư.

Bởi chính tác giả đã có những lúc phải quặn lòng, nhói con tim khi chứng kiến cảnh Thuý Kiều - đứa con tinh thần yêu quý nhất của ông - phải trải qua hết sự hành hạ này đến sự đánh đập khác, có lúc bế tắc phải tìm đến cái chết. Tưởng như lúc này khi thân phận Kiều được đổi thay, với vị thế của mệnh phụ phu nhân, ngòi bút của ông; sẽ được hả hê, tha hồ tung hoành với cuộc báo ân báo oán. Người đọc tưởng chừng sẽ được chứng kiến một cảnh báo oán với những trận đòn sấm sét và lời kết án đanh thép. Nhưng với tinh thần nhân đạo sâu sắc, Nguyễn Du đã để cho Kiều xử sự đi ngược lại với lô-gíc bình thường: tha tội cho chính kẻ gây nên bao đau đớn, nhục nhã cho nàng.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây